Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

Phong thủy với đời sống và nhà ở



Con người và sinh thể tồn tại trong vũ trụ luôn chịu tác động bởi các nguồn năng lượng có trong vũ trụ làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Phong thủy, môn khoa học thực nghiệm sẽ giúp con người thích nghi tốt hơn với môi trường sống, mang lại sức khỏe và làm gia tăng tuổi thọ.


Điện sinh học (Trường nhân thể)


Năng lượng vũ trụ (trường lực vũ trụ) đến từ mặt trời, mặt trăng, các hành tinh, các chòm sao và thiên thể… dưới dạng sóng từ hay quang năng làm tác động đến con người và sinh thể sống trên trái đất.
Năng lượng trái đất (trường lực trái đất) gồm từ trường của trái đất, sức hút trọng trường, sóng địa chấn và lực địa chất... các trường lực này cũng tác động lên sức khỏe mỗi người chúng ta.
Ở mỗi thời khắc, vũ trụ đều có sự chuyển động, thay đổi trật tự sắp xếp của các hành tinh dẫn đến các nguồn năng lượng trong vũ trụ cũng thay đổi theo. Vì vậy, ở mỗi thời điểm con người, các sinh thể chào đời cũng chịu tác động bởi các nguồn năng lượng trong vũ trụ ở những thời điểm biến đổi mạnh, yếu khác nhau. Do đó, mỗi người và sinh thể cũng sẽ mang trong mình một trường sinh lực có độ mạnh yếu khác nhau gọi là điện sinh học hay trường nhân thể.

Tương tác khí và trường lực với trường nhân thể

Khí gồm có thiên khí, địa khí và nhân khí, trong đó: Thiên khí do trời sinh ra, không thể thay đổi, địa khí do đất sinh ra và nhân khí do bản thân của mỗi con người. Chúng ta và tất cả mọi thứ ở trên mặt trái đất đều sống trên thảm từ trường của trái đất, chịu tác động của trường lực trái đất và trường lực vũ trụ. Năng lượng của vũ trụ, năng lượng của trái đất và năng lượng trong mỗi con người chúng ta luôn tương hỗ, tác động và ức chế lẫn nhau, gộp chung lại gọi là trường khí, tổng quát là “phong thủy”.
Sự tác động thay đổi truyền dẫn của điện nhân thể do cảm ứng với từ trường trái đất, từ trường vũ trụ dẫn đến hình thành sự tác động tương hỗ hay ảnh hưởng lẫn nhau. Cho nên, mỗi người chúng ta sẽ có những hướng tương hợp hay xung khắc khác nhau với hướng trường của Trời - Đất gọi chung là “cung mạng”. Tác động sinh ra thuận hay nghịch, tốt hay xấu sẽ hình thành nên các cung mạng tốt hay xấu.
Từ thiên nhiên rộng lớn đến mọi khoảng không gian nhỏ mà ta đang sống đều chịu tác động của một sức mạnh vô hình của trường lực chế ngự. Sự thuận, khắc của nó tác động lên mỗi chúng ta, chúng ta không thể chế ngự lại được mà cũng nên biết thuận theo nó, xúc tác biến hóa để hòa hợp với nó là tốt nhất. Khoa học đã chứng minh môi trường sống có tác động rất lớn tới con người. Y học hiện đại có nhiều nghiên cứu cho thấy những yếu tố môi trường như nguồn nước, không khí... đặc biệt là điện trường, từ trường trái đất ảnh hưởng tới sức khỏe, có thể gây bệnh dịch, thậm chí di truyền sang đời con cháu. Vậy thì việc xác định những địa điểm thuận lợi để sinh sống là cần thiết.

Phong thủy môi trường sống và cung mạng

Để giúp con người tồn tại, thích nghi với môi trường sống, mang lại khỏe và gia tăng tuổi thọ, thuật phong thủy sẽ giúp chúng ta thực hiện việc sắp xếp, bài trí, tổ chức không gian, kiến trúc trong môi trường tự nhiên sao cho thuận lợi và hợp lý nhất. Xem xét sự thông thoáng, hình khối, tỷ lệ, ánh sáng, phù hợp cảnh quan và chọn cái đẹp của kiến trúc hợp với tâm lý, yêu cầu của người sử dụng. Những vấn đề của phong thủy không có gì là thần bí, hư vô. Từ 6.000 năm trước, trong Chu Kinh Dịch của người Trung Hoa cổ đã nêu lên các vấn đề phong thủy và trở thành một pho lý thuyết về thực hành.
Về cung và hướng phong thủy ta có: Hướng Đông thuộc cung Chấn, hướng Tây thuộc cung Đoài, hướng Bắc thuộc cung Khảm, hướng Nam thuộc cung Ly, hướng Đông-Bắc thuộc cung Cấn, hướng Đông-Nam thuộc cung Tốn, hướng Tây-Nam thuộc cung Khôn, hướng Tây-Bắc thuộc cung Càn.

Về cung và mạng theo ngũ hành phong thủy ta có: Càn thuộc Kim, Khảm thuộc Thủy, Cấn thuộc thổ, Chấn thuộc Mộc, Tốn thuộc Mộc, Ly thuộc Hỏa, Khôn thuộc Thổ, Đoài thuộc Kim.
Những người có trường nhân thể tương hợp với trường hướng Bắc, hướng Đông, hướng Đông-Nam và hướng Nam gọi là Đông tứ trạch sẽ bị trường hướng Tây-Nam, hướng Tây, hướng Tây-Bắc và Đông-Bắc gọi là Tây tứ trạch xung khắc. Ngược lại, những người có trường nhân thể tương hợp với trường Tây tứ trạch sẽ bị trường Đông tứ trạch xung khắc.
Chung quy phong thủy phân chia trường sinh học con người theo hai nhóm hướng. Nhóm người có trường nhân thể hợp với trường Đông tứ trạch còn gọi là Đông tứ mạng. Nhóm người có trường nhân thể hợp với trường Tây tứ trạch gọi là Tây tứ mạng.
Mỗi nhân thể có cung mạng hợp hướng, khắc hướng Trời - Đất khác nhau, vì vậy mới có việc chọn hướng làm nhà để thuận hợp khí trường Trời - Đất và việc sắp xếp bên trong nội thất cũng là yếu tố cần thiết cho mỗi chúng ta. Điều này đòi hỏi người kiến trúc sư cần hiểu biết, mang kiến thức này vào tính toán thiết kế để giúp thân chủ của mình có được chỗ ở tốt, phù hợp với hướng trường cung mạng tạo được chỗ sinh sống hàng ngày thuận thiên, đem lại điều tốt cho sức khỏe, trí tuệ. Việc bố trí hướng nhà, cửa ra vào, đường đi lối lại, hướng bếp, nơi ngủ, gian thờ, chỗ làm việc, góc học tập, nơi tiếp khách, bể ngầm chứa nước sạch, bể xí tự hoại… ở các vị trí khác nhau, hướng khác nhau trong ngôi nhà thì mô hình năng lượng cũng sẽ khác đi rất nhiều. Nếu việc bài trí chọn được phương vị tốt thì công việc của gia chủ sẽ được hanh thông, tài lộc thuận lợi, con cái phát triển, gia đình thuận hòa, tránh được các tai hại không đáng xảy ra.


Ngoài việc bài trí theo cung, mạng còn phải xét đến Thủy pháp, đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng. Thủy pháp là phép chọn dòng nước đến, dòng nước đi sao cho năng lượng hình xoắn ốc của mạch nước sản sinh ra tác động tốt đến sức khỏe của con người. Nhà ở có khí hay không còn phụ thuộc vào cách sắp đặt Thủy pháp của căn nhà. Người xưa coi hướng nước rất quan trọng. Tất cả có 28 hướng Thủy pháp cho 8 hướng chính của ngôi nhà ở, nó rất chặt chẽ theo từng hướng độ của la bàn được xác định theo hướng nhà. Thủy pháp gồm có Lai thủy, tức nước cấp vào còn gọi là long mạch nhập; Phóng thuỷ tức nước thải thoát ra còn gọi là long mạch xuất. Hai yếu tố này rất cần cho bất kỳ một ngôi nhà nào, làm đúng cách xuất, nhập thì khí tốt tràn đầy cho ngôi nhà, chủ nhân được hưởng cát khí. Nếu làm sai lệch thì sự may mắn, cát khí sẽ giảm sút hoặc mất đi, nhà sẽ mất khí, ảnh hưởng xấu cho gia chủ. Thủy pháp còn được xem xét đến hướng chảy dòng nước tự nhiên, nước cống rãnh trước mặt nhà và mạch nước ngầm.

Trong Phong thủy cũng hay nói đến Sơn và Hướng hay còn gọi là “Tọa Sơn và Hướng”. Tọa Sơn là phía sau, chỗ tựa của ngôi nhà. Hướng là phía trước, mở cửa ra vào chính của ngôi nhà, hướng ra minh đường thoáng đãng. Lý luận Phong thủy lấy Sơn xem về “nhân định” tức con người. Con người trong ngôi nhà đó có tốt, khỏe mạnh, phát triển hay không thì Tọa Sơn phải cao, vững chãi, kín đáo tốt hơn là thông thoáng. Đối với Hướng nhà trước hết cần chọn hướng phù hợp cung mạng của gia chủ và tốt cho các thành viên trong gia đình, có xung khắc thì cũng chọn hướng khắc nhẹ thì gia đình mới được yên ổn, sự nghiệp công việc hanh thông, tài vận tốt. Phía ngoài của Hướng cần xem xét thêm về địa hình, địa cục, hình thế của môi trường xung quanh như đường đi, lối lại, đồi, gò, hầm, hố, sông, rạch có tụ khí Đất-Trời hay không… rất nhiều điều cần được xem xét giải quyết. Đó là xem xét Sơn và Hướng theo “bát trạch” tức là 8 hướng của ngôi nhà. Ngoài ra còn xem xét theo vận hội các trường tác động của vũ trụ nói chung là sao chiếu theo phương pháp Huyền không phi tinh.
Một ngôi nhà được coi là thịnh vượng, đem đến sự thoải mái an toàn cho gia chủ không phải chỉ có kiến trúc đẹp, trang thiết bị hiện đại là đủ, mà còn phải có điều kiện môi trường xung quanh tốt. Nếu điều kiện của địa hình bên ngoài không tốt thì kiến trúc bên trong cho dù có chăm chút đến mấy cũng là không đủ, thậm chí khó tránh khỏi sự suy giảm về sức khỏe, tài lộc và công việc. Địa hình bên ngoài ngôi nhà chính là một trong những yếu tố rất quan trọng. Trong khoa học gọi là yếu tố cần cho sự thịnh vượng của những người sống trong nhà. Chọn địa hình, địa cục tụ khí cho ngôi nhà thường được căn cứ vào thế Sơn-Thủy, đó là thế núi, sông ngòi và ao, hồ. Thủy thế có uốn lượn nhu hòa thì mới gia tăng cát lợi cho cư dân. Ngược lại, nhà xây sát bên những con sông lớn mà nước chảy xiết, thẳng tuột hoặc có những khúc cua quẹo gấp thì rất bất lợi vì không phù hợp với nhịp sinh học của con người và sinh vật trong vùng. Tính chất "bên lở bên bồi" của một dòng sông cũng khiến cho hai bên bờ sông sẽ có tính chất thổ nhưỡng và trường khí khác nhau, vì vậy mà cần xem xét kỹ khi lựa chọn thổ trạch. Nếu biết khai thác Thủy khí đúng mức trong quy hoạch tổng thể, kết hợp giữa đường cong và đường thẳng thì sẽ vừa tránh được Trực xung thẳng hàng vừa tạo tuyến giao thông - cảnh quan hài hòa tốt với môi trường thiên nhiên hơn.
Đối với nhà nhìn ra mặt trước có sông - hồ - ao tức là đã được một Thủy minh đường tốt, một khoảng rộng thoáng đãng đón nhận ánh sáng và sinh khí. Nhưng vì dòng nước luôn chuyển động nên cần có một Thổ minh đường để đảm bảo khoảng cách nhất định để giới Thủy, căn cứ theo dòng chảy mạnh hay nhẹ, sông rộng hay hẹp. Trên khoảng Thổ minh đường này cần trồng thêm cây xanh vừa có tác dụng bám rễ giữ đất vừa tạo cảnh quan. Gió và Nước là hai yếu tố quan trọng và cần điều tiết vừa phải, chọn lọc lấy phần trong lành nhất để hữu dụng bền lâu.
Triết lý phong thủy thường được đón nhận bởi những ai nhận ra rằng khung cảnh sống xung quanh tác động đến họ và thấy rằng cần phải làm điều gì đó để cải thiện cuộc sống của họ. Đây là một suy nghĩ tích cực nhưng việc áp dụng đúng thuật phong thủy vào thực tế đời sống đòi hỏi người thực hiện phải có kỹ năng. Hiểu biết về phong thủy có thể giúp chúng ta tự đặt mình vào những vị trí có lợi nhất trong môi trường sống.









Tổng hợp từ các báo mạng

1 nhận xét: